Một thứ hai trăn trở về năng lực của bản thân
Hôm nay như mọi ngày thứ hai trong 78 tuần đi làm, vẫn là một ngày đi làm bình thường như bao ngày, chỉ khác ở một chỗ, bản thân đang cảm thấy đang năng lực, năng lượng hiện tại đang cho ra đầu ra rất tệ. Những sự hào hứng, thú vị, vui vẻ khi nhận được một nhiệm vụ mới bỗng chốc không còn nữa, mà sau đó là rất nhiều suy nghĩ tiêu cực, điển hình như: “Tại sao mình lại không nghĩ ra, với trình độ của mấy anh/chị khác thì chắc vấn đề này sẽ giải quyết trong vòng 2 3 tiếng thôi, với thời đại AI hiện nay thì một người lập trình viên sẽ giải quyết xong công việc của 8 tiếng trong vòng 3 tiếng thôi, …”.
Mình có nhớ một câu của 1 anh trong team Business Analysis là: “AI là công cụ để nâng cao và phát huy giá trị của người sử dụng, nhưng mà người sử dụng phải có giá trị đã”. Câu này mình rất tâm đắc. Liệu bản thân đã sử dụng AI quá nhiều dẫn đến sự “lười biếng” trong suy nghĩ, sự “thiếu sáng tạo” bị mai một dần đi trông thấy hằng ngày bởi AI. Liên tục có những dấu hỏi được đặt ra xuyên xuốt ngày hôm nay. Mình nhận thức được là bản thân cần phải giải quyết vấn đề này.
Mình nhận thức được bản thân không nằm trong bảng xếp hạng thông minh ở trên kia như bao người, để đánh giá thì có thể gọi là ở mức trung bình, không hơn, không kém. Những việc mình làm chỉ dừng lại ở chữ biết chứ không chuyên sâu, thành ra khi tiếp nhận một thử thách vấn đề nào đó mình rất là luốn cuốn, loay hoay tìm hướng đi và đôi khi kẹt trong đó.
Mọi người luôn nói, tìm ra một điểm mạnh của bản thân (có thể gọi là lợi thế bất công, hoặc là lợi thế cạnh tranh) nhưng nhìn đi nhìn lại, bản thân mình chỉ được một điểm mạnh là “Cố Gắng”. Tuy không hiểu, không giỏi, không thông minh được như bao người, nhưng bản thân chắc chắn là có ý chí cố gắng hơn bao người. Điển hình một ví dụ là ôn thi đại học, mình dành hầu hết thời gian chỉ để ôn tập, giải đề, bỏ qua hết tất cả những lời gọi mời dụ dỗ ngọt ngào của các buổi đi chơi. Trong khi học đại học, ngay lúc ở dưới vực sâu thẳm của sự tuyệt vọng, bản thân vẫn từng bước từng bước một trèo lên để từ một sinh viên rớt thê thảm 10 chỉ, 1 điểm môn lập trình thành một sinh viên đoạt được 3 hộc bổng, 11 điểm môn lập trình (trên thang 10 thôi). Ngay cả lúc làm đồ án khóa luận tốt nghiệp, mình vẫn miệt mài làm bất chấp ngày đêm chỉ mong muốn có 1 kết quả tốt nhất. Rồi đến kì thực tập cho doanh nghiệp, tuy bảo là hết giờ làm việc thì về, nhưng mình vẫn có mong muốn giải quyết xong vấn đề rồi mới có thể ngủ ngon giấc được, và kết quả là mình được nhận làm nhân viên chính thức. Đó là con đường mình đã trải qua, tuy có thể gọi là nhìn về quá khứ và tự huyễn hoặc bản thân. Nhưng từ những minh chứng đó cho thấy một từ khóa luôn gắn bó với mình đến thời điểm này đó là “Cố gắng”.
Tuy “Cố gắng” là thứ người ta nhắc đến mọi lúc mọi nơi, đến cả chú Hiếu TV cũng có 1 video nói về sự cố gắng sẽ mang lại kết quả như thế nào, nhưng hiện thực rất tàn khốc, AI sẽ mang đến sự phân hóa ngày càng rõ giữa người giỏi và không giỏi và người ở mức trung bình, người giỏi thì như hổ mọc thêm cánh, người không giỏi thì giờ đây với AI đã có thể ngang level của một người trung bình, hiện thực là như thế. “Cố gắng” có thể mang lại cho bạn kết quả tốt, nhưng dù có cố thế nào đi nữa, nữa thì vẫn là dừng ở mốc 8, 9 điểm, một thiên tài thì chạm ngưỡng 10 điểm rồi.
Nói thì nhiều, chốt lại giờ đây bản thân cần phải có một hành động gì đó khác đi, sống một ngày với 150% công lực, cố 100% chưa đủ thì 150%, chỉ có vấn đề chưa giải quyết được là “Cố gắng” thì cần thời gian, nhưng trong thời đại hiện tại, thời gian là thứ không thể kéo dài ra được.
1. Đoạn đầu dư 1 chữ “đang”, nên là “đang cảm thấy rằng năng lực, năng lượng …”
1.2. Đoạn 2: xuyên xuốt -> xuyên suốt
1.3. Đoạn 3: luốn cuốn -> luống cuống
—
2.1. Đoạn 1: sự so sánh bạn đặt ra giữa bạn với những “anh/chị khác” đã hợp lí chưa?
2.2. Đoạn 1: “thời đại AI … 1 người lập trình … làm việc 8 tiếng trong vòng 3 tiếng” => bạn đang trong thời đại AI, bạn là 1 lập trình viên -> vì sao bạn CHƯA thể làm 1 việc 8 tiếng trong 3 tiếng? Lí do bạn nghĩ ra có giải quyết được không?
2.3. Đoạn 2: Vấn đề của bản thân mà bạn thấy bạn đang cần giải quyết là gì? Bạn gọi tên được vấn đề đó ra chưa? Bạn bóc tách nó ra chưa?
2.4. Đoạn 3: Bảng xếp hạng bạn nói tới ở đâu, ai là người tạo ra, so sánh với những ai? Bạn đã tự làm các bài test IQ, test các loại hình thông minh khác nhau chưa? Bạn dựa vào đâu để đánh giá bản thân là “mức trung bình không hơn không kém”?
2.5. Đoạn 3: Khi tiếp nhận vấn đề hay thử thách mới, bạn đã bao giờ ngẫm lại vì sao bạn lại “luống cuống, loay hoay hay mắc kẹt” chưa? Có phải do cách bạn tiếp cận vấn đề hay không? Bạn có biết có 1 bể đa dạng cách thức để tiếp cận và giải quyết vấn đề không? Bạn có bao giờ tìm hiểu “types of logic tree”, hay “methods of problem solving”, hay “MECE principles”, v.v. hay chưa?
2.6. Đoạn 4: Bạn dựa vào điều gì để nói bạn không giỏi hay không thông minh? Bạn không hiểu hay bạn chỉ chưa hiểu hoặc bạn hiểu chậm? Nếu bạn đã “cố gắng” rồi thì sao bạn lại không hiểu thứ bạn muốn hiểu?
2.7. Đoạn 3+4: Bạn nhận thấy điểm mạnh của bạn là “cố gắng”, có bao giờ bạn phản tư lại xem sự cố gắng của bạn đã được sử dụng đúng cách hay chưa không? Sự cố gắng của bạn có hệ thống hay không? Sự cố gắng của bạn đang được hướng theo mục đích gì?
Mỗi người có 1 con đường riêng, hệ quy chiếu riêng, 8, 9, hay 10 điểm đó là bạn đang dùng hệ điểm nào, ai đánh giá, có phù hợp với con đường bạn đang đi, hay con người bạn đang hướng tới hay không? Hệ thống đánh giá bản thân bạn bạn đang tự tạo ra dựa trên những hiểu biết về chính mình hay bạn đang lấy từ đâu đó/ai đó hay bạn đang tưởng tượng ra 1 bảng điểm bảng xếp hạng nào đó mà bạn nghĩ là xã hội ngoài kia đang sử dụng?
3. Đoạn cuối: Chúc bạn phản tư 1 cách hiệu quả. Chúc bạn nghiệm được ra cách cố gắng và sống dù là 100% hay 150% thì đều sẽ hiệu quả, khoa học, và hợp lí. Mong bạn nhớ là bản thân bạn được tạo thành bởi tâm trí, thân thể, và tâm hồn (có thể bạn sẽ muốn tìm hiểu thêm). Chúc bạn học được cách quan tâm và chăm sóc tốt cho cả 3 để có thể sống cuộc đời khỏe mạnh, tìm được hạnh phúc và cảm nhận được sự đủ đầy trong hành trình sống của mình.
À quơn, mong là bình luận này của tôi có thể giúp được gì đó cho bạn. Tặng bạn 1 câu nói mà trước đây tôi cũng được tặng “Critical think, don’t overthink.”.